Đối với các doanh nghiệp hoạt động trong lĩnh vực xuất nhập khẩu, khai báo hải quan là công việc phải thực hiện thường xuyên để đảm bảo kinh doanh ổn định. Tuy nhiên, quy trình khai báo hải quan không hề đơn giản khiến nhiều doanh nghiệp lúng túng, làm chậm trễ quá trình giao nhận hàng. Để giúp doanh nghiệp hình dung cụ thể nhất về quy trình này, WiseMatch đã tổng hợp thông tin trong bài viết dưới đây.
1. Khai báo hải quan là gì?
Khai báo hải quan là quá trình cung cấp thông tin chi tiết về hàng hóa xuất nhập khẩu cho cơ quan hải quan nhằm tuân thủ các quy định pháp luật và chính sách thuế quan.
Đây là những thủ tục bắt buộc tại cửa khẩu, cảng biển, cảng hàng không, cho phép hàng hóa, phương tiện vận tải được phép xuất khẩu ra hay nhập khẩu vào biên giới quốc gia Việt Nam.
2. Mục đích của việc khai báo hải quan
Việc khai báo hải quan không chỉ là nghĩa vụ pháp lý mà còn mang lại nhiều lợi ích thiết thực cho cả doanh nghiệp và cơ quan quản lý nhà nước.
2.1 Đảm bảo tuân thủ pháp luật
Một trong những mục đích chính của việc khai báo hải quan là đảm bảo doanh nghiệp tuân thủ đúng các quy định pháp luật hiện hành. Mỗi quốc gia đều có những quy định cụ thể về hải quan nhằm quản lý hoạt động xuất nhập khẩu.
Doanh nghiệp phải khai báo chính xác và đầy đủ thông tin về hàng hóa, bao gồm loại hàng, số lượng, giá trị và xuất xứ, để tránh vi phạm các quy định pháp luật. Như vậy, doanh nghiệp có thể tránh được các rủi ro như bị phạt, tịch thu hàng hóa hoặc cấm hoạt động kinh doanh.
2.2 Tính toán và thu thuế
Khai báo hải quan giúp cơ quan hải quan xác định chính xác các khoản thuế và phí phải nộp cho từng lô hàng. Đây là việc vô cùng quan trọng để góp phần tăng nguồn thu cho ngân sách nhà nước và đảm bảo sự công bằng trong thương mại, ngăn chặn các hành vi gian lận thuế.
Các khoản thuế như thuế nhập khẩu, thuế giá trị gia tăng (VAT) và thuế tiêu thụ đặc biệt sẽ được tính dựa trên thông tin khai báo.
2.3 Kiểm soát hàng hóa
Cơ quan hải quan sử dụng thông tin từ tờ khai hải quan để kiểm soát và giám sát chặt chẽ hàng hóa xuất nhập khẩu, đảm bảo hàng hóa ra/vào lãnh thổ Việt Nam không thuộc danh mục cấm như ngà voi, súng hay ma túy,…
Bằng cách kiểm tra kỹ lưỡng các lô hàng, cơ quan hải quan có thể phát hiện kịp thời các vi phạm, bảo vệ an ninh quốc gia và quyền lợi của người tiêu dùng, ngăn chặn các hoạt động buôn lậu, gian lận thương mại và các hành vi phi pháp khác.
2.4 Thống kê thương mại
Khai báo hải quan cung cấp dữ liệu quan trọng cho việc thống kê và phân tích tình hình thương mại quốc tế.
Về phía cơ quan quản lý, thông tin từ các tờ khai hải quan giúp cơ quan quản lý nhà nước nắm bắt được lưu lượng hàng hóa xuất nhập khẩu, từ đó đưa ra các quyết định và chính sách kinh tế phù hợp.
Về phía doanh nghiệp, việc thống kê giúp doanh nghiệp hiểu rõ hơn về thị trường, lập kế hoạch kinh doanh và chiến lược xuất nhập khẩu hiệu quả.
3. Quy trình khai báo hải quan hàng hóa xuất nhập khẩu
Khai báo hải quan điện tử trên hệ thống VNACCS là quy trình giúp doanh nghiệp thực hiện các thủ tục xuất nhập khẩu nhanh chóng và hiệu quả. Dưới đây là các bước cụ thể trong quy trình này:
Bước 1: Xác định loại hàng hóa
Trước khi bắt đầu quy trình khai báo hải quan, doanh nghiệp cần xác định chính xác loại hàng hóa nhập khẩu bằng việc phân loại hàng hóa theo mã HS – một hệ thống mã số chuẩn quốc tế dùng để phân loại hàng hóa.
Mã HS này ảnh hưởng đến mức thuế suất và các quy định kiểm tra, giám sát của cơ quan hải quan nên doanh nghiệp cần tham khảo các văn bản pháp lý liên quan dể đảm bảo độ chính xác.
Bước 2: Kiểm tra toàn bộ chứng từ hàng hóa
Sau khi xác định loại hàng hóa, doanh nghiệp cần kiểm tra toàn bộ chứng từ liên quan đến lô hàng nhập khẩu và tính chính xác để tránh rủi ro trong quá trình thông quan.
Các chứng từ này bao gồm:
- Hóa đơn thương mại
- Hợp đồng mua bán
- Phiếu đóng gói
- Vận đơn
- Giấy chứng nhận xuất xứ
- Các giấy tờ khác theo yêu cầu của cơ quan hải quan.
>>> Mời bạn đọc xem thêm về bài viết rủi ro trong xuất nhập khẩu
Bước 3: Khai và truyền tờ khai hải quan
Khi đã chuẩn bị đầy đủ chứng từ, doanh nghiệp tiến hành khai và truyền tờ khai hải quan điện tử qua hệ thống VNACCS.
Trước tiên, doanh nghiệp cần đăng nhập vào hệ thống bằng tài khoản đã đăng ký với cơ quan hải quan. Sau đó, điền đầy đủ thông tin về lô hàng vào biểu mẫu khai báo điện tử, bao gồm mô tả hàng hóa, mã HS, số lượng, trọng lượng, giá trị và các thông tin khác theo yêu cầu. Sau khi kiểm tra kỹ lưỡng, doanh nghiệp gửi tờ khai và nhận phản hồi tự động từ hệ thống, bao gồm mã số tờ khai và tình trạng tờ khai.
Bước 4: Lấy lệnh giao hàng
Ở bước tiếp theo, doanh nghiệp tiến hành lấy lệnh giao hàng từ hãng tàu hoặc đại lý vận tải bằng cách nộp bản sao CMND/CCCD, bản sao vận đơn và bản gốc vận đơn có dấu đồng thời thanh toán các khoản phí dịch vụ cho hãng tàu hoặc đại lý vận tải.
Lệnh giao hàng là chứng từ xác nhận quyền nhận hàng của doanh nghiệp tại cảng hoặc kho bãi. Doanh nghiệp xuất trình chứng từ này khi đến nhận hàng.
Bước 5: Chuẩn bị bộ hồ sơ hải quan đầy đủ
Không thể thiếu trong quy trình khai báo hải quan là việc cần chuẩn bị một bộ hồ sơ đầy đủ, bao gồm các chứng từ đã chuẩn bị ở các bước trước đó.
Dựa vào thông tin nhận được, hệ thống sẽ tự động phân loại hàng hóa theo 3 luồng:
- Luồng xanh: Trên lý thuyết, doanh nghiệp chỉ cần in tờ khai và đóng thuế rồi xuống cảng lấy hàng mà không phải làm thêm bất cứ thủ tục nào.
- Luồng vàng: Doanh nghiệp cần bổ sung thêm giấy tờ cần thiết tùy theo từng loại mặt hàng.
- Luồng đỏ: Lô hàng bị kiểm hoá – mức độ kiểm tra cao nhất và tốn chi phí, thời gian, công sức nhất cho cả chủ hàng và hải quan. Doanh nghiệp đăng ký kiểm hóa, xuống cảng làm thủ tục hạ hàng đưa vào khu kiểm hóa. Sau đó cán bộ hải quan xuống làm thủ tục kiểm tra.
Bước 6: Nộp các loại thuế và hoàn tất thủ tục hải quan
Doanh nghiệp cần thanh toán các khoản thuế và phí liên quan dựa trên thông báo của cơ quan hải quan để hoàn tất quy trình khai báo hải quan, bao gồm thuế nhập khẩu, thuế giá trị gia tăng (VAT), và các loại thuế, phí khác.
Sau khi nộp đủ các loại thuế nhập khẩu, thuế giá trị gia tăng (VAT),… doanh nghiệp nộp bộ hồ sơ hải quan cho cơ quan hải quan để kiểm tra và xác nhận. Hàng hóa sẽ được thông quan và doanh nghiệp có thể tiến hành nhận hàng và vận chuyển về kho khi thủ tục hoàn tất.
Quy trình khai báo hải quan điện tử trên hệ thống VNACCS giúp doanh nghiệp thực hiện các thủ tục xuất nhập khẩu một cách hiệu quả và nhanh chóng. Hy vọng bài viết này đã cung cấp cho bạn cái nhìn chi tiết và rõ ràng về quy trình khai báo hải quan, giúp bạn áp dụng hiệu quả trong thực tiễn kinh doanh.
Mọi thông tin chi tiết xin liên hệ:
- Công ty TNHH Wisematch Việt Nam
- Địa chỉ: 375 Nguyễn Thái Bình, Phường 12, Quận Tân Bình, TPHCM , Việt Nam
- Hotline: 035.462.4102
- Email: info@WiseMatch.vn
- Website: wisematch.vn